- SÀI GÒN (NV) - Quận Gò Vấp, quận lớn nhất so với các quận nội thành Sài Gòn, có nhiều ngôi chợ kinh doanh phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày của người dân. Trong những ngôi chợ của quận Gò Vấp, đáng kể là chợ Xóm Mới và chợ Hạnh Thông Tây, hai ngôi chợ truyền thống đặc biệt của địa phương.
Chợ Xóm Mới hình thành trong năm 1954, ngay sau khi dân chúng miền Bắc di cư vào Sài Gòn ổn định nơi ở tại đây lập nên. Chợ Xóm Mới có diện tích khoảng 2,500m2 thuộc phường 16, quận Gò Vấp. Theo địa hình, chợ Xóm Mới tọa lạc giữa một bàn cờ, với mặt tiền giáp một đường phố của phường 13, và nhiều đường phố, ngõ hẻm thuộc các phường lân cận dẫn vào chợ. Ðại đa số tiểu thương tại chợ Xóm Mới và cư dân ở khu vực này là bà con theo đạo Thiên Chúa.
Chợ Xóm Mới.
Chợ Xóm Mới hiện nay có trên 500 tiểu thương, chủ yếu kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, bao gồm khoảng 150 tiểu thương kinh doanh trong hai nhà lồng của chợ; và khoảng 400 tiểu thương buôn bán tại các khu vực nhà phố quanh chợ.
Chợ Xóm Mới có đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ bữa ăn hàng ngày của bà con, các mặt hàng gia dụng, vải vóc và quần áo may sẵn... Ðáng kể nhất, chợ Xóm Mới phong phú về mặt hàng rau quả, chủ yếu do các nông sản của bà con tại địa phương canh tác, và các nông sản từ huyện Hóc Môn và quận 12 chuyển đến; do vậy giá cả các mặt hàng rau quả tại chợ Xóm Mới rẻ hơn so với các chợ khác.
Hầu hết bà con nội trợ các phường 13-15-16 thuộc quận Gò Vấp đều hàng ngày đi chợ Xóm Mới, cũng như đi lễ tại nhà thờ giáo xứ Xóm Thuốc. Những lúc muốn thưởng thức các đặc sản truyền thống miền Bắc, như: bún riêu-bún ốc-đậu phụ rán-bánh cuốn Thanh Trì-lòng heo luộc chấm mắm tôm-xôi vò chè đường,... chúng tôi thường vào chợ Xóm Mới, dù chợ không gần nơi cư ngụ.
Bà con gốc miền-Bắc-di-cư thuở trước thường tìm tới chợ Xóm Mới mua trái gấc về nấu xôi; đặc biệt dịp tết Ðoan Ngọ - Mùng 5 tháng 5 này, chợ Xóm Mới bày bán cơm rượu và bánh tro đầy khắp đường phố trước mặt chợ.
Chợ Hạnh Thông Tây về diện tích và quy mô xây dựng, lớn hơn gấp bội so với chợ Xóm Mới. Chợ Hạnh Thông Tây tọa lạc sừng sững trên đường phố Quang Trung, đường phố lớn nhất của quận Gò Vấp. Ðiểm đáng kể của chợ Hạnh Thông Tây, là ngôi chợ truyền thống này còn là chợ đêm sầm uất nhất của Sài Gòn.
Có thể thấy nét đặc biệt của chợ tại Sài Gòn là sinh hoạt chợ đêm, gồm các chợ Kỳ Hòa-chợ Bến Thành-chợ Bình Tây-chợ Bà Chiểu. Sinh hoạt chợ đêm Kỳ Hòa trước đây rộn rịp hơn cả, nhưng từ đầu năm 2009 chợ đêm Kỳ Hòa đã ngưng hoạt động.
Như vậy, ngôi chợ hoạt động 24/24g mỗi ngày, với chợ đêm nổi bật, chính là chợ Hạnh Thông Tây của quận Gò Vấp. Nếu ban ngày sinh hoạt tại chợ Hạnh Thông Tây bình thường như các chợ truyền thống khác, thì từ khoảng 6 giờ chiều trở đi, người người vào chợ mỗi lúc thêm tấp nập. Chúng tôi thấy thật vui khi ngồi ở một quán cà-phê trước mặt chợ Hạnh Thông Tây, ngắm nhìn cảnh tượng chợ đêm, nhất là những ngày cuối năm, bà con nô nức đi mua sắm Tết. Vào những dịp này, những quầy hàng mới lại mọc thêm, bãi giữ xe trước mặt chợ đêm Hạnh Thông Tây tăng cường gấp hai, ba lần so với thường ngày.
Chợ Hạnh Thông Tây.
Tiểu thương tại chợ đêm Hạnh Thông Tây cho biết: các mặt hàng kinh doanh ở đây rất đa dạng, từ quần áo giày dép, đồ trang sức, đồng hồ, túi xách, mỹ phẩm,... tới dịch vụ ăn uống, các loại hoa và trái cây,... Chị em đi mua sắm quần áo giày dép tại chợ đêm Hạnh Thông Tây dễ dàng có được hàng mua vừa hợp thời trang, chất lượng tốt, vừa giá rẻ.
Ðặc biệt khu ẩm thực tại chợ Hạnh Thông Tây càng trở nên sinh động về đêm, nhất là thu hút nhiều khách mày râu với các món ăn nhậu như: lẩu cá kèo-lẩu mắm-bún mắm-bún bò Huế-beefsteak,... Tuy nhiên giá cả nhiều món ăn nhậu tại đây không phải là “giá bình dân” như giá cả các mặt hàng khác. Phụ nữ và trẻ em cũng rất chiếu cố chợ đêm Hạnh Thông Tây, bởi trong chợ có khu vui chơi dành riêng cho các em. Và trong khi chờ đợi trẻ em vui chơi, các bà mẹ bà chị có thể thưởng thức nhiều món “ăn vặt” hợp khẩu phụ nữ, như: chè-bánh flan-bánh tráng trộn-xoài ngâm chua ngọt-bắp nướng, luộc-khoai lang nướng,...
Có thể thấy chợ đêm Hạnh Thông Tây góp phần tạo nên hấp lực của những chợ truyền thống tại thành phố Sài Gòn. Hấp lực ấy nảy sinh từ nhu cầu tự nhiên và cần thiết lưu giữ truyền thống của những ngôi chợ đã chứa đựng dấu ấn của văn hóa, lịch sử địa phương.
Thời gian qua, khi chính quyền nhiều địa phương có dự án xóa bỏ những chợ truyền thống để xây dựng những trung tâm thương mại, không những giới tiểu thương lo lắng, mà người dân cũng không đồng tình, đã phản ứng quyết liệt.
Tác Giả: Nguyễn Đạt
(saigonecho)
No comments:
Post a Comment