Ðặt
chân tới Sài Gòn năm 1954, lúc ấy tôi là đứa bé 9 tuổi, theo gia đình
từ miền Bắc di cư vào miền Nam tự do. Ký ức của đứa bé 9 tuổi hẳn nhiên
không thể ghi nhận được gì nhiều; nhưng đứa bé lớn lên và sinh sống tại
Sài Gòn từ thuở ấy tới bây giờ, đã giúp tôi dễ dàng gợi dậy trong ký ức,
ít nhất là những hình ảnh đậm nét của Sài Gòn, 50 năm về trước.
Ấn
tượng về Sài Gòn trong tôi từ lúc ấy tới bây giờ cũng không phai nhạt
bao nhiêu, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Ấn tượng sâu đậm, bởi Sài Gòn
những ngày tháng ấy quá mới lạ trong tâm trí tôi, đứa trẻ đã trải qua
một đoạn đời ấu thơ tại Hà Nội.
Ðiều
đầu tiên tôi nhận biết lúc ấy, tôi nói với cha tôi, là Sài Gòn có vẻ
rất Tây so với Hà Nội. Cha tôi bảo, bởi vì một trăm năm Pháp thuộc, Sài
Gòn và miền Nam là thuộc địa; trong khi Hà Nội của miền Bắc là bảo hộ.
Cha
tôi làm thông ngôn trong quân đội Liên Hiệp Pháp, dạy tiếng Pháp cho
các con từ nhỏ; nên tôi nhớ được rành rõ những tên Pháp ngữ đặt cho
nhiều đường phố lớn của Sài Gòn lúc ấy. Căn nhà đầu tiên của gia đình
chúng tôi khi vào Sài Gòn ở đường Bà Hạt, quận 10. Ðường Bà Hạt là đường
phố nhỏ, một đoạn chạy ngang đường phố lớn mang tên Tây, là Lacaze –
tức đường Nguyễn Tri Phương.
Vài
năm sau, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cho thay thế tên Tây; vẫn giữ lại tên
những danh nhân thế giới, dù danh nhân ấy là người Pháp, như Calmette,
Pasteur, Alexandre de Rhodes… Những đường phố mang tên Tây, đa số là
quan chức Pháp, được thay thế, như: Bonard – Lê Lợi; Charner – Nguyễn
Huệ; Galliéni – Trần Hưng Ðạo; De la Grandrière – Gia Long; Catinat – Tự
Do; Lacaze – Nguyễn Tri Phương… Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, dân Sài
Gòn vẫn nói: Ði bát phố Bô-na, Catinat; đi mua hàng ở thương xá
Charner…, luôn là gọi tên Tây, cho 3 đường phố đẹp bậc nhất của Sài Gòn.
Phố
phường Sài Gòn lúc ấy đa số là những con đường lớn rộng, dài dằng dặc.
Và rất nhiều cổ thụ. Ðặc biệt loại cây có tên rất bình dân là cây dái
ngựa – tên khoa học là Meliaceae – thân to nổi mấu gồ ghề, tỏa rộng cành
lá, bóng mát ngợp đường Lê Ðại Hành, trước mặt Trường Ðua Phú Thọ, quận
11. Hàng cây me xanh mát mắt suốt con đường Gia Long, con đường có bệnh
viện Grall do người Pháp lập nên, giữa vườn cây rộng rinh. Rừng cao su
bát ngát, chạy dài theo con đường Nguyễn Văn Thoại, từ Trường Ðua Phú
Thọ tới ngã tư Bảy Hiền…
Năm
tôi còn nhỏ tuổi, cha vẫn dẫn đi chơi mỗi Chủ Nhật. Vào Vườn Ông
Thượng, còn có tên Tây là Bờ-rô, sau đó mới gọi tên là Vườn Tao Ðàn; dẫn
đi chơi ở Sở Thú-Thị Nghè… Cây trồng ở Sài Gòn phong phú là nhờ công
sức của vị giám đốc Sở Thú đầu tiên, người Pháp; ông từng là chuyên viên
nghiên cứu về cây trồng ở nhiều nơi trên thế giới; nhất là vùng nhiệt
đới ở Phi Châu, có nhiều loại cây thích hợp với thổ nhưỡng Sài Gòn.
Những năm sau này, lớn thêm vài tuổi, lại được anh cùng cho đi “bát phố
Bô-na,” để thấy rõ Sài Gòn quả là rất Tây; tôi tha hồ thưởng ngoạn vẻ
đẹp “Paris” của nó.
Tản
bộ trên đường Catinat, từ nhà thờ Ðức Bà tới bến Bạch Ðằng, nhìn ngắm
các cửa hiệu sang trọng thời thượng dọc con phố. Và Passage Eden, rất
nên gọi là “Hành Lang Ði Bộ,” chính diện nhìn ra đường Catinat. Passage
Eden gồm trong đó: bát phố; xem chiếu phim – trong rạp Eden giữa lòng
hành lang; mua sắm; ăn kem uống cà phê ăn tối ở quán Givral liền bên… và
để ngắm nhìn trai thanh gái lịch, quý ông quý bà Sài Gòn, cũng ở trong
đó.
Trai
thanh – quý ông thì áo sơ mi quần tây trắng lốp; mũ flechet; giày deux
couleurs; đồng hồ quả quít đeo ở dây lưng. Gái lịch – quý bà thì áo dài
Lemur-Cát Tường không thua phụ nữ Hà Nội, hoặc vận jupe như “bà đầm”;
tay xách porte feuille, chân đi guốc cao gót; tóc búi cao hoặc uốn dợn
sóng, cổ đeo kiềng vàng…
Ra
vào Passage Eden nhiều lối, ưa thích ra vào lối nào cũng được. Anh tôi
dẫn tôi vào lối cửa ở đường Charner, rồi đi vòng qua Bonard, rồi ra cửa
Catinat… Rồi chúng tôi ghé hiệu sách Albert Portail – sau có tên là Xuân
Thu – sát cạnh đó, toàn là sách từ bên Tây đưa sang, tha hồ mà đọc mà
ngắm.
Rồi
với bạn học cùng lớp cùng trường Chu Văn An,
Trường-Trung-Học-Di-Chuyển-Bắc-Việt (có ghi ở bảng hiệu của trường như
vậy, vì trường cũng di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn) đi chơi và chụp ảnh lưu
niệm Sài Gòn.
Bất
cứ buổi sáng Chủ Nhật nào, góc thân thuộc nhất, tập trung nhiều nhất
các “bác phó nhòm,” chính là quảng trường trước mặt quán Givral. Mái
hiên cong kiều diễm của quán Givral, và con đường Catinat thẳng tắp, với
hai hàng cây hai bên chạy dài ngút mắt, đã đi vào không biết bao nhiêu
tấm ảnh lưu niệm Sài Gòn. Hoặc những tấm ảnh của cả gia đình, lưu niệm
ngày đi mua sắm ở thương xá Charner; buổi dùng bữa cơm Tây ở một nhà
hàng Pháp trên phố Bonard…
Những
ngôi đền Ấn Ðộ giữa lòng Sài Gòn lúc ấy, cũng đi vào ký ức của đứa bé
miền Bắc di cư khá đậm nét. Sao mà Sài Gòn nhiều đền đài của Ấn Giáo,
với kiến trúc tinh tế kỳ công đến thế. Những ngôi đền uy nghi tọa lạc ở
các con đường Tôn Thất Thiệp-Trương Ðịnh-Công Lý của quận 1, trung tâm
Sài Gòn. Người Ấn Ðộ sinh sống tại Sài Gòn khá đông, chỉ không nhiều
bằng người Hoa, ở cả một vùng Chợ Lớn. Tôi nghe dân Sài Gòn gọi họ là
Chà Và. Sau này tôi mới hiểu, Chà Và là đọc trại từ Java, gọi chung cho
người Ấn Ðộ và người Mã Lai; họ thường làm nghề mại bản, quản lý nhà
đất, cho vay tiền, làm trung gian giữa người Việt và người Pháp…
Ðường
Tôn Thất Thiệp, vào năm 1954 vẫn được xem là một tiểu Ấn Ðộ, với những
ông Chà Và cho vay tiền, chủ quán cà ri nị, mở tiệm kim hoàn. Những
người Ấn Ðộ gốc ở Bombay thường kinh doanh ngành vải; họ có nhiều cửa
hiệu ở đường Catinat, Bonard, Hàm Nghi, Galliéni, và chợ Bến Thành. Từ
lâu trước đó, cộng đồng người Ấn Ðộ ở quận 1 còn đông đảo hơn nhiều; đã
có một đợt người Ấn Ðộ rời Sài Gòn sang định cư tại Pháp, vào năm 1945.
Có
lẽ cái mới lạ, và thấy thân thương nhất, đối với người miền Bắc di cư
vào Sài Gòn như tôi, là những quán tiệm bình dân, tiệm Hoa kiều. Hai thứ
quán tiệm này khá giống nhau. Buổi sáng tới quán, những ông già Sài Gòn
đọc-nhựt-trình, nói chuyện ưa chêm tiếng Pháp, xưng tôi là mỏa (moi);
những bà già hút thuốc điếu; những anh tài xe xích lô máy chở cả vợ con
trong lòng xe rộng bè, tới quán ăn hủ tíu uống cà phê, xong chở về nhà
rồi mới đi chở khách. Một thời gian trong năm 1954-55, khi có xài tiền 5
cắc bằng kim loại; thì tại Sài Gòn, cứ việc lấy giấy bạc một đồng – có
hình Nam Phương hoàng hậu – mà xé làm hai, xài một nửa tương đương 5
cắc! Thật là thuận tiện, đơn giản.
Người
Sài Gòn-Nam Bộ không cần thiết phải biết tên người mới quen; chỉ hỏi
người này là con thứ mấy trong gia đình, để kêu anh Hai, anh Ba… Thân
thương biết mấy! Chuyện trò với người Sài Gòn-Nam Bộ, câu chuyện của họ
giản dị, rõ ràng, không úp úp mở mở; không bắt người cùng trò chuyện với
mình phải chịu đựng sự vòng-vo-tam-quốc, sự rào trước đón sau, như rất
nhiều người miền Bắc và miền Trung, trong đó có dân di cư năm 1954
thường như vậy.
No comments:
Post a Comment