Có thể nói không ngoa rằng ai sống ở Sài Gòn mà chưa/không từng có thời gian sống trong những con hẻm, thì coi như vẫn chưa hiểu được đầy đủ chân dung đa diện của Sài Gòn, tính cách của con người Sài Gòn.
Mỗi con hẻm có một đời sống riêng
Sài Gòn có đến hàng ngàn hàng vạn con hẻm. Có những con hẻm rộng rãi, ngay ngắn, xe hơi xe tải đều đi lọt. Nhưng cũng có những con hẻm hẹp đến nỗi không đủ chỗ cho hai người đi bộ cùng bước. Có những con hẻm dài hun hút, có những con hẻm ngoằn ngoèo vào đến bên trong lại rẽ trái rẽ phải, đoạn phình ra đoạn teo tóp lại, như lạc vào mê cung. Có những con hẻm xuyên từ hẻm này sang hẻm khác, từ đường này qua đường khác và có những con hẻm cụt, chỉ có một đường ra duy nhất.
Những con hẻm có một đời sống riêng, khác với đời sống, nhịp sống bên ngoài đường lớn, ngoài phố thị. Nhất là trong những con hẻm nghèo, chật hẹp, hai nhà đối diện nếu mở cửa ra là có thể nhìn thấy thông thống vào nhà nhau, với đa số các gia đình là dân lao động, công nhân, công chức…
Trong những con hẻm như vậy, người ta không thể nào giữ cho cuộc sống của bản thân và gia đình mình được hoàn toàn riêng tư, nhất là người Việt lại có một cái tính không được hay cho lắm là thường quan tâm quá mức đến cuộc sống của người khác. Từ thói quen sinh hoạt, giờ giấc đi về cho đến mọi chi tiết về đời tư của hàng xóm, kể cả hôm nào nhà ai có giỗ, có tiệc ăn món gì những nhà xung quanh đều tỏ tường. Bất tiện là vậy, nhưng mặt khác, mọi người trong hẻm lại sống thân tình với nhau như trong một nhà, ai có chuyện gì từ đau ốm, cưới hỏi, ma chay…hàng xóm đều đến giúp một tay.
Trong những con hẻm, nhiều khi người ta chả cần phải đi ra đường lớn, ra chợ, có thể mua được nhiều thứ từ hàng ăn, thực phẩm, cho tới dịch vụ các loại. Không chỉ nhà mặt tiền ngoài đường phố mới có thể mở cửa làm ăn buôn bán, trong hẻm, người dân cũng tận dụng nhà mình để buôn bán, làm dịch vụ, kiếm đồng ra đồng vào. Thôi thì đủ cả, từ tiệm tạp hóa, đại lý nước ngọt, kem…, quán cà phê cóc, xe hủ tiếu, xe bánh mì, xôi, cháo…; dịch vụ thiên hình vạn trạng từ tiệm cắt tóc nam, nữ, tiệm may, dạy học tư, cho thuê sách truyện, sửa xe v.v…
Thời buổi khó khăn, người thất nghiệp thì đầy dẫy, gia đình nào cũng cố gắng buôn bán, làm ăn thêm, chỉ cần một chõ xôi, một xe bánh mì hay cái máy may ngồi may thuê là cũng đủ kiếm tiền chợ qua ngày. Có nhà thì chia nhỏ căn nhà ra cắt một phần hoặc cái gác xép cho sinh viên, công nhân thuê, người khác lại nhận giữ trẻ cho hàng xóm…Đồng tiền cứ chạy quanh từ túi người này sang túi người khác.
Ở những con hẻm rộng rãi, sạch sẽ một chút người ta còn mở quán ăn, cho thuê nhà làm văn phòng, cũng trương tấm bảng “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên A, B…” với đủ loại văn phòng, công ty, nhìn qua cũng biết thuộc loại cò con mới chịu chui vào hẻm.
Cuộc sống trong những con hẻm nhỏ, chật chội thường ít khi yên tĩnh, hoạt động của nhà này đều ảnh hưởng ít nhiều đến nhà khác. Từ tiếng chó nhà bên sủa, tiếng vợ chồng hàng xóm chửi lộn, đánh lộn, tiếng mẹ quát mắng con, tiếng giảng bài của thầy giáo lớp dạy tư tại nhà khác…Rồi nhà bên này mở băng cassette cải lương trong lúc nhà đối diện lại bật nhạc Thúy Nga Paris… Cứ thế từ sáng sớm đến đêm khuya, cả con hẻm chỉ thực sự ngủ yên được vài tiếng đồng hồ rồi sau đó, nhà nhà lại lục đục thức dậy, và tiếng rao của những người bán hàng rong lại cất lên: “Bánh mì nóng dòn đê…”, “Ai xôi khúc…không”.
Những người bán hàng rong đi bộ, hoặc đi xe đạp, cũng thiên hình vạn trạng. Từ bán bánh mì, xôi…buổi sáng sớm, trễ hơn, khoảng 9-10 giờ có đậu hũ nước dừa, sau giờ ăn trưa thì chè bà ba, chè trôi nước, xương sâm sương sáo, bắp luộc, bắp nướng phi hành mỡ, kẹo kéo…, buổi tối thì hột vịt lộn, khuya khuya vẫn còn tiếng gõ thay lời rao rất đặc trưng của xe hủ tiếu mì…Thỉnh thoảng lại có gánh ve chai, sửa khóa, sửa đồng hồ, đổi nồi cũ lấy nồi mới, hay người cắt tóc dạo…đi ngang qua. Những tiếng rao đó cũng là một phần âm thanh không thể thiếu trong đời sống của những con hẻm.
Trong những con hẻm nghèo, nhà cửa thường cũng chật chội theo. Có những căn nhà nhỏ xíu, chật đến nỗi mọi sinh hoạt cứ phải đem ra trước sân, ngoài đầu hẻm, cái bếp lò cũng đặt nhờ, nấu nhờ ngoài hẻm, thậm chí có những tối nóng quá họ vác cả ghế bố ra đầu hẻm ngủ cho thoáng. Những hôm cúp điện, nóng nực, nhà nào cũng xách ghế ra cửa ngồi, tám chuyện thời sự với nhau trong lúc lũ trẻ con lấy ngay cái hẻm làm chỗ đá banh, sân chơi. Mùa nóng đã khổ, mùa mưa càng cực hơn, có nhiều con hẻm nước ngập cao, tràn vào nhà, ăn uống sinh hoạt gì cũng vất vả.
Hẻm càng nhỏ chật, người ta càng khó sống tách biệt, và phải sống thật với hoàn cảnh của mình hơn vì không thể che giấu được mãi trước con mắt hàng xóm. Có những cô gái dù không giàu có, nhưng khi ra ngoài phố, đến những khu trung tâm vui chơi nhìn cung cách ăn mặc không ai biết được, chỉ đến khi về lại con hẻm, về nhà, trút bỏ son phấn quần áo lượt là mới trở thành một con người khác, con người thật. Sống trong hẻm, vì vậy, chẳng khác nào sống trong nhà mình. Nỗi bất hạnh hay niềm vui của một gia đình đều có thể trở thành chung của cả xóm.
Và ở đó, những tính tốt của người Sài Gòn cũng dễ dàng bộc lộ ra: sự rộng rãi hào phóng chia sẻ với người khác cho dù nhà mình cũng đang chạy ăn từng bữa, sự thẳng thắn bộc trực, thấy chuyện bất bình là không bỏ qua, sự bao dung chấp nhận những cái khác mình trong một thành phố vốn là nơi hội tụ của người dân tứ xứ đổ về…
Trước 1975, những khu vực chung quanh chợ Cầu Muối, đường Cô Giang Cô Bắc quận 1, khu Đa Kao nằm ven kênh Nhiêu Lộc quận 1, khu Khánh Hội quận 4, khu cầu Bông, quận Bình Thạnh, xung quanh chợ Trương Minh Giảng quận 3, khu vực ngã Ba Ông Tạ quận Tân Bình, xung quanh cầu chữ Y quận 8, cầu Chà Và-Chợ Lớn, cho tới một số khu vực của người Hoa ở quận 5, chợ Lớn…dày đặc những con hẻm như vậy. Thành phần dân cư thì rất đa dạng, từ dân không có nghề nghiệp ổn định kiếm sống bằng buôn gánh bán dạo, chạy xe ôm cho tới ông thày giáo tiểu học, anh sinh viên trọ học, anh ký giả tầm tầm, ông nghệ sĩ hài về già, một vài cô gái bán phấn buôn hương chỉ ra đường khi mặt trời đã lặn từ lâu …
Cũng có những con hẻm với thành phần dân cư hơi phức tạp, dân giang hồ đâm thuê chém mướn, xì ke ma túy…người lạ mặt thường rất ngại và ít khi dám đi vào một mình. Ở khu Chợ Lớn có những con hẻm toàn người Hoa, đi vào chỉ nghe tiếng Quảng, tiếng Tiều, tiếng Hẹ…trước cửa nhà nào cũng có treo bùa chú, nhìn vào nhà nào cũng thấy đỏ rực bàn thờ Quan Công, Phúc Lộc Thọ, ông Địa…
Gần 40 năm sau ngày 30 tháng Tư, 1975, Sài Gòn đã thay đổi nhiều. Có một số khu vực với nhiều con hẻm gần như bị xóa sổ do quy hoạch lại, nhưng đa số những con hẻm vẫn còn đó, và đời sống trong hẻm cũng không khác bao nhiêu, thậm chí còn cơ cực hơn vì vật giá tăng từng ngày, thuế má đủ loại phải đóng mà thu nhập thì khó kiếm hơn xưa.
Và nếu như trước kia, đề tài của những “tòa soạn báo…miệng” trong hẻm thường là về chiến tranh, đảo chính, Việt Cộng mới pháo kích ở đâu đó, chồng ai mới chết trận hoặc con trai ai mới nhập ngũ, ước mơ một ngày hòa bình, cho tới ông tướng nào có bồ nhí, nghệ sĩ sân khấu nào mới bỏ vợ…Thì bây giờ là giá xăng dầu, điện, gas… tăng, thực phẩm bẩn, hàng dỏm hàng độc hại tràn lan trên thị trường, những vụ án tham nhũng, lãng phí thất thoát tiền tỷ, đạo đức xã hội ngày càng suy đồi, thêm vào đó là những diễn biến trên biển Đông… Chỉ mong rằng một ngày nào đó chủ đề của người dân sẽ không phải lại là…chiến tranh nổ ra trên quê hương!
Những con hẻm cũng như món ăn đường phố, đời sống vỉa hè…chỉ tồn tại ở những thành phố của những quốc gia chưa phát triển, Sài Gòn hay Hà Nội cũng vậy thôi. Rồi một ngày nào đó, khi VN đã trở thành một quốc gia giàu có phát triển, có lẽ những con hẻm sẽ biến mất, nạn buôn bán vỉa hè sẽ biến mất, nhưng ngày đó thì chắc vẫn còn xa lắm!
Song Chi, 30/06/2014
Mỗi con hẻm có một đời sống riêng.
ReplyDeleteBài viết khiến mình phải suy nghĩ về tương lai, về cuộc sống của người dân khi Việt Nam khi đất nước ngày càng phát triển
---------------------------------------------------
Nguyễn Ánh
Chuyên cung cấp sỉ và lẻ áo đi mưa cao cấp tại TPHCM
Click vào đây để biết thêm chi tiết:
Cửa hàng bán áo mưa bộ xuất khẩu tại TPHCM
Hoặc Cua hang ban ao mua bo xuat khau tai TPHCM